Lượt xem: 1636
CHÙA PEAM BUÔL THMÂY
CHÙA PEAM BUÔL THMÂY

Chùa Peam Buôl Thmây tọa lạc tại số 948 đường Lý Thường Kiệt, Khóm 5, Phường 4, Thành phố Sóc Trăng. Chùa Peam Buôl Thmây đang là một trong những ngôi chùa nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng. Với nghệ thuật kiến trúc kết hợp giữa nét truyền thống văn hóa dân tộc đã tạo nên công trình độc đáo, của văn hóa chùa Khmer. 
Với lịch sử hình của chùa, chùa Peam Buôl Thmây được người dân biết đến với nhiều tên gọi. Trước đây, người dân địa phương thường gọi với tên quen thuộc chùa Ngã Tư vì chùa nằm cạnh ngã tư đường tỉnh lộ Sung Đinh, Ngoài tên gọi này, người dân còn thường hay gọi là chùa Sung     Đinh vì chùa nằm trên mảnh đất án ngữ trước đây là làng Sung Đinh xưa. Chùa có tên chính thức là chùa Peam Buôl Thmây dịch theo tiếng Khmer có nghĩa là “Ngã tư mới”, với ý nghĩa mới từ tư duy, cách nghĩ và cách làm. Ngoài ra để phân biệt 2 ngôi chùa khác có tên là chùa Xa Xiểng (Peam Buôl Chăs) và chùa Tú Điềm (Peam Buôl Kuon K.ec).

Chùa Peam Buôl Thmây được xây dựng vào năm 1964, cho người dân ở vùng Sung Đinh có nơi tính ngưỡng chiêm bái trong văn hóa Phật giáo Khmer Nam Bộ . Dù cơ sở vật chất và nhiều hạng mục còn đang dang dở và thiếu thốn, nhưng với sự dẫn dắt của trụ trì và ban quản trị, chùa Peam Buôl Thmây hiện tại đang khoác lên mình chiếc áo mới, thu hút phật tử tứ phương đến chiêm bái, tín ngưỡng và tham quan.
Giai đoạn đầu hình thành và xây dựng chùa, do sư Thạch Dêl làm trụ trì, ban đầu chùa được xây dựng với vách tường gạch, mái tôl đơn giản như kiến trúc dân dụng. Từ khi hình thành đến nay, chùa đã trải qua 12 đời trụ trì:
Từ năm 1964  đến năm 1977 do sư Thạch Dêl làm trụ trì.
Từ năm 1977 đến năm 1978 do sư Thạch So làm trụ trì.
Từ năm 1978 đến năm 1980 do sư Thạch Đẹt làm trụ trì.
Từ năm 1980 đến năm 1981 do sư Trần Sịn làm trụ trì.
Từ năm 1981 đến năm 1983 do sư Lâm Nhiếp làm trụ trì.
Từ năm 1983 đến năm 1987 do sư Trần De làm trụ trì.
Từ năm 1987 đến năm 1988 do sư Thạch Khên làm trụ trì.
Từ năm 1988 đến năm 1989 do sư Sơn Dũng làm trụ trì.
Từ năm 1989 đến năm 1995 do sư Trần Cường làm trụ trì.
Từ năm 1995 đến năm 1996 do sư  Lâm Sên làm trụ trì.
Từ năm 1996 đến năm 1998 do sư Lâm Cal làm trụ trì.
Từ năm 1998 đến năm 2018 do sư Trần Vuôn làm trụ trì.
Đến năm 2018, Đại Đức Đinh Hoàng Sự được bổ nhiệm làm trụ trì. Cũng trong thời gian đó, chùa được trùng tu, sửa chữa, xây mới giảng đường, tăng xá và hiện tại đang xây mới chánh điện. Trong đó ông Trần Cường là Trưởng Ban quản trị. Với trên 500 chức sắc tôn giáo các tín đồ sinh hoạt tín ngưỡng, sư sãi và Achar luôn có mối quan  hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, hiểu biết chuyện đạo, chuyện đời, nhất là phong tục, tập quán, tín ngưỡng tôn giáo.
Trước đây, kiến trúc cũ của chùa Peam Buôl Thmây có phần đơn giản hơn. Theo các Acha, tại đây do khi xây dựng, cộng đồng Khmer ở địa phương khá ít người và tỷ lệ hộ nghèo cao nên không vận động được nguồn kinh phí. Vì vậy, với sự quyết tâm, ý tưởng sáng tạo của sư Đinh Hoàng Sự và sự đồng lòng của cộng đồng phật tử địa phương cũng như sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền, chùa Paem Buôl Thmây đã cho xây dựng. 

Chùa được xây dựng trang trí theo phong cách Khmer kết hợp lối kiến trúc hiện đại nhưng vẫn lưu giữ những nét truyền thống tạo nên điểm nhấn cho ngôi chùa. Đặc biệt, ngôi Tăng xá được phác thảo bản vẽ bởi sư trụ trì, kết hợp với tư duy nghệ thuật của các nghệ nhân đến từ An Giang. Nhìn vào ngôi Tăng xá, có thể cảm nhận được sự tỉ mỉ, trau truốt của các vị sư và nghệ nhân dành cho từng hoa văn, đường nét công trình. Nét hoa văn trang trí phong phú với nhiều hình thức phối hợp lẫn nhau: chạm chìm, chạm nổi trên tường, đổ khuôn xi măng, tô đắp trực tiếp… Nét độc đáo nhất ở đây chính là màu sắc. Nhà chùa sử dụng hai màu chủ đạo là nhũ vàng và trắng, điểm xanh nõn chuối. Vì thế, công trình vừa toát lên dáng dấp hiện đại vừa uy nghi cổ kính. Một điểm sáng tạo của ngôi Tăng xá, chính là nhà chùa đã thiết kế bậc thang để mọi người có thể dễ dàng đi lại và tham quan cảnh vật thiên nhiên từ trên cao nhìn xuống. Bên dưới tầng mái được trạm trổ công phu cắt hình tượng chim thần. Các chim thần Krut mình người biểu trưng cho sức mạnh giơ tay nâng đỡ mái chùa. Một điểm nhấn nữa khi đến với nơi này, dọc bên lối đi ngôi Tăng xá chạm khắc hình tượng thần Rắn Na-ra và các hoa văn sắc sảo tinh tế mang đậm chất riêng của văn hóa Khmer Nam bộ.
Với sự tỉ mỉ, tài hoa của nghệ nhân và các vị sư đã tạo ra một công trình đầy đủ sự uy nghiêm và độc đáo. Những hình ảnh hoa văn hay những bức tượng được trạm khắc đều liên quan đến văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Khmer. Những nhân vật trong giai thoại tâm linh hay những vị thần, các vị chư thiên… đều có trong công trình này. Không chỉ vậy, tại đây tượng Đức Phật Thích Ca được đặt trang trọng trên ngôi Tăng xá tạo nên không gian thiêng liêng, trang nghiêm và thanh tịnh. Với lối xây dựng đầy sáng tạo, hòa hợp với khuôn viên, đúng với công năng của công trình, mặt khác với mong muốn để Phật tử có một cách nhìn khác về tín ngưỡng, đó là nơi thành tâm, cũng là nơi giải trí, mang đến sự an lạc, một cái nhìn mới về tín ngưỡng thời hội nhập. Theo Đại đức Đinh Hoàng Sự, Trụ trì chùa chia sẻ: “Hiện chùa đang xây mới ngôi chánh điện. Quyết tâm của Sư hạng mục nào xong thì phải đẹp và giữ được bản sắc riêng của chùa Khmer, tạo điểm nhấn cho du khách khi đến tham quan chùa nhân dịp vào các ngày lễ lớn trong năm như: lễ Dolta, lễ Kathina, lễ hội Oóc - Om - Bok,... nên ngôi tăng xá và giảng đường hoàn thiện trước nhằm tạo sự ấm cúng trong sinh hoạt tín ngưỡng của phật tử trong phum sóc và có nơi yên tĩnh, thoáng đạt để các vị sư yên tâm tu học.”
Không chỉ thế, chùa Peam Buôl Thmây còn được du khách biết đến vì có một không gian trưng bày đồ xưa. Đây là một gian nhà nhỏ bằng gỗ được cất theo lối nhà xưa của người Khmer. Không gian trưng bày đồ xưa đang lưu giữ những vật dụng sinh hoạt đời thường của bà con ở “làng Sung Đinh xưa”. Ở đây, các hiện vật chủ yếu là bằng gốm, sứ cùng những công cụ trong nghề nông. Tất cả những vật dụng này đều do bà con phật tử trong và ngoài tỉnh mang đến để góp vào thành không gian trưng bày đồ xưa của chùa. Với ý tưởng này, chùa cũng mong muốn lưu giữ những hiện vật của dân tộc để có cơ sở cho các học sinh, sinh viên có đam mê nghiên cứu và làm đa dạng sản phẩm du lịch phục vụ du khách đến thăm chùa.

Điều đặc biệt hơn nữa, ngay tại khuôn viên chùa, đang trưng bày chiếc ghe ngo được điêu khắc sinh động, lạ mắt, độc nhất vô nhị. Đây cũng là chiếc ghe ngo đầu tiên trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long được điêu khắc trực tiếp lên ghe nguyên bản. Bằng sự kết hợp hài hòa giữa nét đẹp văn hóa truyền thống và nghệ thuật điêu khắc, cùng với sự khéo léo của người thợ đã biến chiếc ghe ngo cũ kỹ thành một sản phẩm văn hóa độc đáo, được nhiều người đón nhận, nhất là đối với du khách thập phương gần xa. Trong mùa lễ hội Oóc - Om - Bok những năm gần đây, hòa trong không khí chung của những ngày “đưa nước - cúng trăng” việc trưng bày chiếc ghe ngo cũng là cách để giới thiệu đến mọi người về nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ, đồng thời nhắc nhở phật tử về việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc.
Phát huy tinh thần san sẻ yêu thương theo đúng với tinh thần Phật giáo với phương châm “Sống tốt đời, đẹp đạo”. Chùa Peam Buôl Thmây trong những năm qua đã tổ chức, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội, thường xuyên giúp đỡ, ủng hộ những người nghèo, người già neo đơn, học sinh khó khăn trên địa bàn nhằm hỗ trợ cho họ ổn định và vươn lên trong cuộc sống, góp phần vào thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cùng địa phương.
Chẳng những thế, với vai trò là người có uy tín, Đại đức cùng với Ban quản trị chùa đã có nhiều cố gắng xây dựng ngôi chùa ngày càng hoàn thiện và khang trang hơn, không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa - nghệ thuật mà còn có nhiều đóng góp đối với địa phương, đặc biệt là trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer. Đến nay, chùa Peam Buôl Thmây Phường 4 thành phố Sóc Trăng đã được nhiều du khách và bà con phật tử gần xa biết đến, trong đó có vai trò đóng góp rất lớn của Đại đức Đinh Hoàng Sự, nơi đây trở thành địa điểm sinh hoạt cộng đồng của bà con phật tử Khmer trong và ngoài tỉnh. 

 

 

 

VIDEO
  • CHƯƠNG TRÌNH THỜI SỰ TPST NGÀY 4/02/2025 (04/02/2025)
  • CHƯƠNG TRÌNH THỜI SỰ TPST NGÀY 2/02/2025 (03/02/2025)
1 
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP
  • Tất cả: 2627291
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Thành phố Sóc Trăng
Địa chỉ: 93 đường Phú Lợi, phường 2, Tp Sóc Trăng
Điện thoại/Fax: 02993 822182
Mail: ubndtp@soctrang.gov.vn
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử UBND Thành phố Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.