Lượt xem: 3301
ĐÀI CHIẾN THẮNG MẬU THÂN 1968 TIỂU ĐOÀN PHÚ LỢI ANH HÙNG
ĐÀI CHIẾN THẮNG MẬU THÂN 1968 TIỂU ĐOÀN PHÚ LỢI ANH HÙNG

Địa điểm thành lập Tiểu đoàn Phú Lợi tọa lạc tại ngã tư trên bờ Tây - Nam nơi tiếp giáp của kênh Còng Cọc - Củ Cải và Kênh Đầm Già (nay là kinh Thạnh Mỹ) thuộc xóm Cây Gừa, xã Hòa Tú, huyện Mỹ Xuyên (nay là ấp Hòa Trung, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), cách trung tâm tỉnh lỵ Sóc Trăng 40 km về hướng Đông Nam. Địa điểm thành lập Tiểu đoàn Phú Lợi tiếp giáp bốn phía như sau:
- Phía Đông giáp: kênh Củ Cải.
- Phía Tây giáp: đất hộ của ông Trương Văn Đậu.
- Phía Nam giáp: đất hộ của ông Võ Văn Giáp.
- Phía Tây giáp: kênh Đầm Già (nay là kinh Thạnh Mỹ).

Từ trung tâm tỉnh (Bưu Điện tỉnh Sóc Trăng) bằng phương tiện ô tô đi đến di tích bằng đường bộ theo hướng Bạc Liêu trên Quốc lộ 1A khoảng 20 km qua cầu Nhu Gia, xã Thạnh Phú khoảng 200 m rồi rẽ trái đi trên Hương lộ 14 một đoạn khoảng 4 km qua phà Chàng Ré tiếp tục đi thẳng khoảng 4 km đến ngã ba rẽ trái theo Hương lộ 13 một đoạn 2 km rồi rẽ phải qua cầu Phú Lợi đi trên lộ bê tông song song với kinh Còng Cọc - Củ Cải và kinh Đầm Già (nay là kinh Thạnh Mỹ) gởi xe lại đây và qua đò ngang là đến di tích.
Ngày 20/7/1956 Diệm tuyên bố không thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, miền Nam không có hiệp thương tổng tuyển cử, Mỹ - Diệm tuyên chiến thật sự với nhân dân miền Nam, với những người không có súng. Mỹ - Diệm đã thiết lập bộ máy nguỵ quyền từ trung ương đến tận cơ sở ở miền Nam Việt Nam với lực lượng: tề, công an cảnh sát, dân vệ từ ấp đến xã, bằng lưỡi lê họng súng, bằng đàn áp khủng bố và nhà tù, chúng dồn ép nhân dân miền Nam xuống tận bùn đen, đánh đập bắt bớ, trả thù những người kháng chiến cũ.
Tại Sóc Trăng, cuối 1956 địch sáp nhập hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu thành tỉnh Ba Xuyên. Đầu năm 1957 chính quyền tay sai tỉnh Ba Xuyên tiến hành hàng loạt biện pháp chống phá cách mạng để tố cộng, chống cộng đã gây cho ta nhiều tổn thất, cơ sở cách mạng nhiều nơi bị tan rã, nhiều cán bộ cơ sở bị bắt, bị tù đày, nhiều người bị giết chết, một số cơ sở phải ly hương chạy đi nơi khác sinh sống gây nhiều tổn thất cho ta. Tại huyện Thạnh Trị, thời gian này đồng chí Văn Ngọc Chính, tỉnh ủy viên cũng bị địch bắt, tra tấn tàn nhẫn và đem giết, bỏ vào bao bố dùng chĩa nhọn đâm vào cho đến chết rồi neo ở dòng sông Ba sắc mất cả thi hài.
Trước hoàn cảnh khó khăn đó, Đảng đã chỉ đạo: để chống lại Mỹ - Diệm, nhân dân miền Nam nói chung và nhân dân Sóc Trăng nói riêng, chỉ có con đường để cứu nước và tự cứu lấy chính mình đó là con đường cách mạng, ngoài con đường cách mạng thì không còn con đường nào khác. Để chống lại bạo lực phải bằng sức mạnh bạo lực của quần chúng cách mạng, cuộc đấu tranh giành và bảo vệ hòa bình, bảo vệ quyền dân sinh dân chủ nhất thiết phải nâng lên hình thức vũ trang tự vệ, gắn chặt với đấu tranh chính trị của quần chúng như nội dung Nghị quyết của Xứ ủy Nam kỳ tháng 12/1956: “… Lúc này đấu tranh chính trị đơn thuần thì không được, mà đấu tranh vũ trang thì chưa phải. Do vậy đấu tranh chính trị phải có vũ trang tự vệ. Trong đấu trang chính trị của quần chúng nếu có lực lượng vũ trang hỗ trợ thì rất có lợi, nó tạo thế đấu tranh cho quần chúng, xây dựng, bảo vệ cơ sở đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng”. Từ đó mà lực lượng tự vệ của quần chúng nhân dân được tổ chức để tranh thủ giáo dục, giác ngộ quần chúng, trấn áp bọn tề, điệp, địa chủ và bọn phản động gian ác và nếu tên nào ngoan cố tiếp tục gây tội ác với nhân dân thì sẽ bị lực lượng tự vệ xử tội.
Dưới ánh sáng đường lối của Đảng đã mở hướng đi đúng đắn cho cách mạng miền Nam, năm 1957 ban chỉ đạo lực lượng ngầm được thành lập và lực lượng vũ trang bắt đầu được xây dựng, đó là tiền thân của lực lượng vũ trang trong tỉnh Sóc Trăng, lực lượng này được tuyển chọn từ những đoàn viên thanh niên lao động, nòng cốt, tích cực, nhiệt tình và một số đảng viên trẻ. Đến cuối năm 1957 ở các huyện trong tỉnh đều thực hiện được đại đội lực lượng ngầm, có ban chỉ huy đại đội, trung đội, lấy tiểu đội làm đơn vị sinh hoạt, có nhiệm vụ trấn áp bọn phản cách mạng, nòng cốt trong các cuộc đấu tranh bạo lực, bảo vệ quyền lợi của quần chúng. Đây chính là bước ngoặt của thời kỳ mới ở Sóc Trăng bắt đầu, tháng 10/1957 hàng trăm lực lượng ngầm ở Sóc Trăng được rút lên Liên Tỉnh ủy để xây dựng lực lượng vũ trang. Tháng 12/1957, một trong số lực lượng vũ trang đầu tiên được liên tỉnh ủy đưa về chiến trường Sóc Trăng đã được tập trung ở xã Ninh Thạnh Lợi thuộc huyện Phước Long, phần đất cuối của tỉnh Sóc Trăng tiếp giáp với tỉnh Rạch Giá. Và nơi đây cũng được chọn làm căn cứ đầu tiên của lực lượng vũ trang tập trung của tỉnh trong thời kỳ của kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Để che giấu lực lượng, Tỉnh ủy Sóc Trăng chỉ đạo lấy danh nghĩa là lực lượng giáo phái ly khai chống Mỹ - Diệm mang tên Đinh Tiên Hoàng, nhiệm vụ chủ yếu là diệt ác, trừ gian, trấn áp bọn phản cách mạng, tổ chức vũ trang tuyên truyền khi có yêu cầu hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng. Địa bàn hoạt động chủ yếu là huyện Phước Long và một số xã tiếp giáp như Phong Thạnh phía Tây huyện Giá Rai, Mỹ Quới và Vĩnh Lợi của huyện Thạnh Trị. Tỉnh ủy còn bổ sung thêm một số cán bộ chiến sĩ người địa phương, trang bị thêm một số vũ khí tự động của Mỹ. Vì phải che giấu lực lượng nên đơn vị phân tán ở trên ba khu vực: Rừng Chồi Xẻo Gừa, kinh Chín Trăm và rừng Hóc Hỏa (xã Vĩnh Lộc), mọi việc ăn uống phải dựa vào dân cung cấp vận chuyển, để bảo đảm an toàn sinh hoạt, học tập trong vùng căn cứ, mạng lưới trinh sát ngoại vi được tổ chức nhiều nơi. Sau hơn hai năm thành lập và xây dựng (1957-1959) dưới sự lãnh chỉ đạo của Đảng bộ và sự đùm bọc che chở của nhân dân, đơn vị Đinh Tiên Hoàng ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, trưởng thành qua từng trận đánh, như tổ chức trừng trị tên Mười Hưng - trưởng chi cảnh sát quận Ngã Năm, diệt tên Nghiệp - Quận trưởng Phước Long hay tên cai tổng ác ôn Lâm Văn Nấu - kiêm trưởng đồn Cai Giảng,… đã làm nức lòng nhân dân và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của Đảng bộ đề ra.
Ngày 01 tháng 02 năm 1960 tại rừng Lá xã Lâm Kiết, đồng chí Nguyễn Văn Hơn (Hai Tân) Phó Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp truyền đạt nội dung Nghị quyết 15 của Trung ương cho cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn Đinh Tiên Hoàng học tập. nội dung nghị quyết nêu rõ: “Con đường cơ bản của cách mạng ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ chính quyền thống trị của đế quốc và phong kiến dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.
Trước tình hình cụ thể và yêu cầu hiện tại của tỉnh nhà, sau khi nghe truyền đạt Nghị quyết 15, đơn vị được giao nhiệm vụ là diệt ác, phá kềm kẹp, hỗ trợ phối hợp với phong trào cách mạng của quần chúng nổi dậy khởi nghĩa đánh đổ địch giành lại chính quyền ở nông thôn. Còn địa bàn hoạt động của đơn vị vẫn không thay đổi, trước mắt là hỗ trợ huyện Phước Long, lập kế hoạch phá kềm, diệt địch giành chính quyền làm chủ một vài xã trước khi chuyển phong trào cách mạng trong toàn tỉnh. Về danh nghĩa, thường vụ tỉnh ủy chấp nhận: Trước mắt lực lượng giải phóng là đơn vị cần chọn đặt tên để thường vụ tỉnh ủy có quyết định chính thức, tên đơn vị phải có ý nghĩa động viên nỗ lực chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, động viên truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân.
Ngày 05 tháng 02 năm 1960, tại ấp 15 xã Phong Thạnh (nhà Bác Sáu Phèn) chi bộ họp để quán triệt nhiệm vụ, kế hoạch phối hợp với huyện Phước Long và thống nhất với thường vụ tỉnh ủy cho đơn vị mang tên Phú Lợi lấy sự kiện thảm sát của Mỹ - Diệm ở trại giam Phú Lợi nhằm không ngừng động viên tinh thần yêu nước căm thù địch để ra sức chống Mỹ, cứu nước. Đây chính là những đơn vị tiền thân của tiểu đoàn Phú Lợi anh hùng.
Kết thúc đợt Xuân - Hè năm 1964, Ban cán sự, Ban Chỉ huy Tỉnh đội Sóc Trăng thực hiện kế hoạch thành lập Tiểu đoàn tập trung của tỉnh, gồm ba Đại đội bộ binh (71,74,75), điều động một số cán bộ huyện đội, lực lượng địa phương quân, du kích xã thuộc các huyện Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu, Thạnh Trị, Phước Long; tách một bộ phận Đại đội 602, 603 thành đại đội trợ chiến và các đơn vị trực thuộc, cuối tháng 6 năm 1964 các đại đội được tập hợp tại ấp Trà Teo, xã Khánh Hòa để làm biên chế chính thức: Tiểu đoàn gồm ba đại đội bộ binh và một đại đội trợ chiến, có các trung đội trinh sát, thông tin liên lạc đầy đủ có Tiểu đoàn bộ, quân số trên 800 cán bộ chiến sĩ, phiên hiệu lấy tên là Phú Lợi, lấy ngày ra mắt để làm số hiệu: d 764 (dự kiến ngày 1/7/1964). Ban chỉ huy Tiểu đoàn gồm ba đồng chí: Trần Hoàng Lộc (Tư Lê, Lộc Trà) - Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Thành Hưng (Năm Liêm) - Tiểu đoàn phó, đồng chí Bảy Đủ - Chính trị viên. Đảng ủy tiểu đoàn được chỉ định 7 đồng chí do đồng chí Bảy Đủ làm Bí thư. Đội ngũ cán bộ tiểu đoàn, đại đội hầu hết trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, có một số kinh nghiệm qua một số trường lớp quân sự, một số kinh qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được đào tạo bồi dưỡng từ miền Bắc về bổ sung. Hầu hết cán bộ chiến sĩ được rèn luyện, thủ thách từ phong trào Đồng Khởi, có thành tích chiến đấu trong những năm đầu chống cuộc chiến tranh đặc biệt của Mỹ - Diệm.
Ngày 01 tháng 7 năm 1964, tại xóm Cây Gừa, xã Hòa Tú huyện Mỹ Xuyên - quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa (nay là ấp Hòa Trung, xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên) Tiểu đoàn Phú Lợi làm lễ ra mắt nhân dân, trong đội hình trang phục nghiêm trang đứng giữa sân lễ trước hàng ngàn đồng bào quanh vùng tham dự, đại diện Ban chỉ huy Tiểu đoàn Phú Lợi đọc diễn văn chào mừng và hứa với nhân dân tỉnh nhà sẽ mãi mãi xứng đáng với lòng tin của nhân dân, của Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng, lễ ra mắt cũng là lễ xuất quân của Tiểu đoàn Phú Lợi.
Hai ngày sau lễ ra mắt, Tiểu đoàn Phú Lợi đã lập công đầu xuất sắc tại Xóm Lương xã Vĩnh Phước, huyện Vĩnh Châu: Tiêu diệt Tiểu đoàn biệt động quân mang phiên hiệu “Cọp đen”, thu nhiều vũ khí đạn dược, trận đánh đã làm cho quần chúng nhân dân hai huyện Vĩnh Châu và Mỹ Xuyên vô cùng phấn khởi, càng tin tưởng vào đứa con đầu lòng của tỉnh nhà.
Chiến công tiếp theo đó là trận đánh tiêu diệt bọn bảo an, lực lượng cơ động của tỉnh Ba Xuyên tại Tam Sóc, xã Mỹ Thuận, huyện Châu Thành tháng 12 năm 1964, diệt trên 150 tên địch, bắt sống 47 tên, thu hàng trăm súng các loại, phá tan ba ấp chiến lược, giải phóng hàng trăm tên phòng vệ dân sự. Đây là trận đánh mở màn cho chiến dịch Đông - Xuân của tỉnh giành thắng lợi đầy sức thuyết phục đã làm nức lòng quân và dân tỉnh nhà, làm cho địch vô cùng khiếp sợ.
Năm 1965, đế quốc Mỹ đưa quân viễn chinh vào miền Nam tiến hành cuộc chiến tranh cục bộ, Tiểu đoàn phải đảm đương nhiệm vụ hết sức nặng nề. Điển hình trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh cục bộ, Tiểu đoàn phải đương đầu với trung đoàn bộ binh 33 tại Dầy Lăng, huyện Vĩnh Châu tháng 5 năm 1965, trận này tiểu đoàn đã kiên cường anh dũng chiến đấu, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch, tiêu diệt 300 tên địch và bắn rơi nhiều máy bay địch.
Trận đánh tập kích tiêu diệt gọn cụm bình định ở ngã tư Phó Sinh ngày 16/8/1965, diệt trên 100 tên địch, thu 50 súng các loại. Tiếp theo là những trận đánh gây cho địch nhiều thiệt hại, tạo thế cho phong trào cách mạng của nhiều địa phương trong tỉnh, bẻ gãy kế hoạch tìm diệt và bình định của địch, tiêu biểu là trận đánh diệt gọn đại đội bảo an và đoàn bình định tại Lịch Hội Thượng - Long Phú, trận tập kích đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 33 Ngụy tại xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Tiểu đoàn nhận lệnh tiến công đánh chiếm thị xã Sóc Trăng (nay là Tp Sóc Trăng), nhiệm vụ trước mắt của tiểu đoàn là đánh chiếm hai mục tiêu: Trại Lý Thường Kiệt và hậu cứ Trung đoàn 33, Sư đoàn 21, tiếp theo là phát triển đánh sân bay Sóc Trăng với lòng dũng cảm kiên cường, mưu trí linh hoạt, tiểu đoàn đã bẻ gãy hàng chục đợt phản kích của địch, giữ vững trận địa, tiêu diệt và làm bị thương trên 500 tên địch, trong đó có 6 tên Mỹ, bắn cháy 4 xe M 113 và 2 máy bay trực thăng.

Từ năm 1969, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Địch tăng cường càng quét, đóng đồn bót trong vùng giải phóng, với mục tiêu diệt và làm vô hiệu hóa từng cơ sở cách mạng của ta. Theo sự chỉ đạo của Tỉnh đội, Tiểu đoàn hành quân về đánh địch ở chiến trường huyện Phước Long, ngay trận đầu, Tiểu đoàn diệt cứ điểm Xáng Cụt thu trên 80 súng; sau đó tập kích sân bay Bạc Liêu bắn cháy và phá hủy 4 máy bay, 12 xe M 113, đốt cháy một kho xăng, tiêu diệt 2 đại đội và ban chỉ huy sân bay, địch hoàn toàn bất ngờ trước đòn tấn công sấm sét của Tiểu đoàn.
Bước sang năm 1972, tại chiến trường Sóc Trăng địch chiếm đóng thêm hàng trăm đồn bót, vùng giải phóng của ta tiếp tục bị thu hẹp. Song Tiểu đoàn Phú Lợi vẫn kiên cường bám trụ trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên, tổ chức đánh nhỏ lẻ giữ vùng địa bàn, như tiêu diệt phân chi khu Rạch Gò diệt 70 tên, bắt sống 9 tên, thu 54 súng; đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 408, 422, Liên đội 44 tạo thuận lợi cho các địa phương mở rộng vùng giải phóng, phá thế kềm kẹp của địch.
Năm 1973, Mỹ thất bại thảm hại về quân sự lẫn chính trị trên chiến trường miền Nam, buộc chúng phải kí hiệp định Paris, song với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, Mỹ tăng cường viện trợ cho quân ngụy Sài Gòn để tăng cường lấn chiếm vùng giải phóng, vi phạm hiệp định Paris. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy và Tỉnh đội chỉ đạo cho tiểu đoàn tấn công tiêu diệt hàng loạt đồn bót, đặc biệt là trận tiêu diệt phân chi khu Cà Lăm diệt hàng trăm tên; trận đánh Tiểu đoàn 535 tại Gia Hòa diệt trên 100 tên, bắt sống 87 tên,… Cuối năm 1973, Tiểu đoàn Phú Lợi đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn bảo an 408 và kềm chân Tiểu đoàn 486, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng vũ trang tỉnh Sóc Trăng tiến công tiêu diệt địch mở rộng vùng giải phóng. Có thể nói ở mọi lúc, mọi nơi Tiểu đoàn Phú Lợi luôn phát huy vai trò nồng cốt trong đánh, phá kế hoạch bình định và tìm diệt của địch.
Trong Chiến dịch mùa Xuân năm 1975, thực hiện nhiệm vụ tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng thị xã Sóc Trăng, Tiểu đoàn Phú Lợi đảm nhiệm tiến công trung tâm hành quân, kho hậu cần và phối hợp cùng các lực lượng khác tiến công vào dinh tỉnh trưởng, tuy quân số thiếu hụt, tiểu đoàn vừa phải xây dựng vừa chiến đấu; nhưng trước thời cơ lịch sử, Tiểu đoàn đã nhanh chóng giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự để phục vụ cho nhiệm vụ trọng đại này: đúng 18 giờ ngày 29/4/1975 Tiểu đoàn vượt chặng đường gần 20 km để áp sát mục tiêu, 04 giờ 5 phút ngày 30/04/1975, Tiểu đoàn đánh chiếm chợ Nhật Lệ, trại Lý Thường Kiệt, tiểu khu Ba Xuyên và đại đội chiến tranh chính trị; 10 giờ 30 phút ngày 30/4/1975 sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng quân giải phóng, Tiểu đoàn Phú Lợi tiếp tục vây ép tiểu khu, vừa nổ súng vừa kêu gọi địch đầu hàng. Đến 14 giờ ngày 30/4/1975 thị xã Sóc Trăng hoàn toàn giải phóng. Tiểu đoàn Phú Lợi đã hoàn thành nhiệm vụ của Tỉnh đội và Tỉnh ủy giao, kết thúc vẻ vang trang sử hào hùng 21 năm kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Sóc Trăng, thực hiện trọn vẹn lời thề năm xưa: “Ra đi là chiến thắng, đánh là tiêu diệt”.
Với quá trình phát triển và trưởng thành trong hoạt động, công tác và chiến đấu Tiểu đoàn Phú Lợi đã lập nhiều thành tích và được tặng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước (từ năm 1964 - 1975):
* Về thành tích: Diệt trên 15.000 tên Mỹ - Ngụy. Trong đó: diệt gọn 02 tiểu đoàn, 25 đại đội, 70 trung đội, 4 đoàn bình định, 3 chi khu, 4 phân khu và hàng trăm đồn bót.
Đánh thiệt hại nặng 6 tiểu đoàn, trên 40 đại đội, bắn rơi 37 máy bay, phá hủy 111 xe quân sự, 5 khẩu pháo, 1 cầu, bắn chìm 13 tàu chiến đấu, thu 1.500 súng các loại, 150 máy thông tin và đồ dùng quân sự khác của địch.
* Những phần thưởng cao quý:
* Tập thể: 12 huân chương Chiến công Giải phóng (4 hạng nhì và 4 hạng ba) và nhiều bằng khen, giấy khen khác; 3 danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang (1 của tiểu đoàn, và 2 của đại đội - C 247 và C71)
* Cá nhân: Có 2 đồng chí được phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đó là:
- Nguyễn Văn A (Bé Bảy)
- Hồ Minh Luông (Mười Luông).
Tiểu đoàn Phú Lợi ra đời trong điều kiện Mỹ - Ngụy đang tiến hành kế hoạch bình định “tìm diệt”, đặc biệt là đế quốc Mỹ đưa quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam tiến hành chiến tranh cục bộ. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, được nhân dân thương yêu che chở, đùm bọc. Tiểu đoàn Phú Lợi đã xây dựng, chiến đấu và đứng vững trên địa bàn tỉnh nhà với tinh thần bất khuất, tự lực, tự cường thực hiện tiến công làm nòng cốt cho thế trận chiến tranh nhân dân của tỉnh phát triển và giành thắng lợi quyết định.
Vượt qua mọi cam go, thử thách của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Tiểu đoàn Phú Lợi đã cùng quân và dân tỉnh nhà giành thắng lợi trọn vẹn, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà, cùng quân và dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sau 30 tháng 4 năm 1975 cho đến nay, Tiểu đoàn Phú Lợi nhận nhiệm vụ trong tình hình mới; vừa xây dựng lực lượng chính qui, tinh nhuệ hiện đại, vừa làm kinh tế, vừa sẵn sàng chiến đấu. Dù nhiệm vụ nào, hoàn cảnh nào Tiểu đoàn Phú Lợi vẫn phất cao ngọn cờ “Quyết chiến, Quyết thắng”, vẫn giữ vững truyền thống của Tiểu đoàn đã ra đi là chiến thắng… trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Ngày 15/3/2006 theo Quyết định số 352/QĐHC-CTUBT của Chủ tịch Ủy Ban nhân dân tỉnh công nhận địa điểm thành lập Tiểu đoàn Phú Lợi tại Ấp Hoà Trung, xã Hoà Tú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.Tiểu đoàn Phú Lợi anh hùng mãi mãi là niềm tự hào của các thế hệ trẻ và của nhân dân Sóc Trăng.
Trích từ Hồ sơ di tích của Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng


 

 

VIDEO
  • CHƯƠNG TRÌNH THỜI SỰ TPST NGÀY 4/02/2025 (04/02/2025)
  • CHƯƠNG TRÌNH THỜI SỰ TPST NGÀY 2/02/2025 (03/02/2025)
1 
SỐ LƯỢNG TRUY CẬP
  • Tất cả: 2627310
Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân Thành phố Sóc Trăng
Địa chỉ: 93 đường Phú Lợi, phường 2, Tp Sóc Trăng
Điện thoại/Fax: 02993 822182
Mail: ubndtp@soctrang.gov.vn
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin điện tử UBND Thành phố Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ Cổng thông tin này.