Theo ông Nguyễn Văn Tấn, việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là việc làm cần thiết và quan trọng đối với mọi người, nhất là đảng viên. Ông Tấn tâm sự: “Mỗi đảng viên chúng ta cần thấm nhuần và làm theo tư tưởng, đạo đức của Bác. Vì ở Bác có những đức tính tốt đẹp để áp dụng vào công việc hàng ngày”.
Là hội viên nông dân, thông qua các cuộc họp, các buổi sinh hoạt của chi bộ và của Hội Nông dân xã Đại Ân 1, ông Tấn được triển khai nội dung các chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, bản thân ông cũng tìm hiểu các tài liệu viết về Bác nên ông nhận thức được rằng, việc học tập và làm theo tấm gương của Bác là điều ai cũng có thể làm theo để trở thành công dân tốt. Chính vì vậy, ông Tấn tâm niệm, học tập và làm theo tấm gương của Bác phải được bắt đầu từ những việc nhỏ nhất trở đi như: Luôn rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức, gương mẫu chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; vận động gia đình, người thân và bà con nhân dân trong ấp vươn lên giảm nghèo...
Nhớ về thời gian đầu mới lập nghiệp, ông Tấn kể: “Khi mới lập gia đình, cuộc sống còn nhiều khó khăn, tôi luôn trăn trở với suy nghĩ làm sao phải thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Được UBND xã Đại Ân 1 hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để sản xuất, sau thời gian miệt mài lao động và tích lũy, vợ chồng tôi đã có hơn 5 ha đất trồng mía”. Tuy nhiên, những năm gần đây, “đầu ra” của cây mía luôn gặp khó khăn, khiến ông và nhiều hộ chuyên canh mía khác phải chịu lỗ nặng.
Diện tích trồng mía kém hiệu quả đã được ông Tấn chuyển đổi sang trồng cây ăn trái và đang phát triển tốt.
Với suy nghĩ phải chuyển đổi cây trồng nào cho hiệu quả, ông Tấn đã tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất giỏi tại các địa phương khác để có thêm kinh nghiệm. Ông Tấn chia sẻ: “Khi tìm hiểu thực tế thấy các mô hình trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi đã quyết định chuyển đổi 2,3 ha đất trồng mía sang trồng nhãn, đu đủ, mít, cam, bưởi”. Để lấy ngắn nuôi dài cho mô hình mới, ông còn trồng xen canh đậu đen và bắp vào vườn cây để có thu nhập. Từ hiệu quả của mô hình chuyển đổi này, ông đã vận động hội viên nông dân khác cùng tham gia và sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật trong sản xuất. Đến nay, tại ấp Nguyễn Tăng đã có hơn 10 hộ chuyển từ diện tích mía kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái.
Điều đáng quý ở ông Tấn không chỉ là tinh thần vượt khó vươn lên mà còn là sự sẻ chia với tất cả mọi người. Những năm qua, ông Tấn là nông dân tích cực trong các phong trào ở địa phương. Tuy gần đến tuổi lục tuần nhưng ông luôn năng nổ vận động nhiều hộ tham gia phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới; đóng góp quỹ vì người nghèo, ủng hộ quỹ khuyến học, quỹ hỗ trợ thiên tai. Ông Tấn tâm sự: “Bản thân lập nghiệp từ hai bàn tay trắng nên tôi rất thấu hiểu khó khăn vất vả của bà con. Tôi luôn mong muốn việc làm của mình sẽ tạo động lực để mọi người quyết tâm vươn lên, cùng nhau làm giàu trên mảnh đất quê hương”.
Với sự nỗ lực vươn lên, nhiều năm liền, ông Tấn đều được công nhận đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã. Những đóng góp của ông Tấn không chỉ phát huy được tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, mà còn tạo chuyển biến tích cực trong phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Nhờ sự vận động tích cực của ông, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Qua đó, ông đã được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng giấy khen do có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2018.