10/05/2018
Long Phú: Lan tỏa phong trào phụ nữ học tập và làm theo Bác
Thời gian qua, phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các cấp hội phụ nữ huyện Long Phú duy trì và thực hiện có hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong hội viên, chị em phụ nữ bằng những công trình, phần việc mang lại hiệu quả thiết thực.
Kinh tế gia đình của chị Phạm Thị Thúy Kiều và nhiều gia đình chị em phụ nữ khác trên địa bàn ấp Mười Chiến, xã Long Phú chủ yếu phụ thuộc vào nghề nuôi trồng thủy sản. Hàng ngày, lượng điện năng tiêu thụ cho việc chạy máy bơm nước, chạy quạt oxy và nhu cầu sử dụng điện trong sinh hoạt gia đình là rất lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến mức chi tiêu hàng tháng trong gia đình. Thế nhưng, khi tham gia sinh hoạt hội, được các cán bộ chi hội phụ nữ ấp tuyên truyền, hướng dẫn, chị Kiều và nhiều chị em đã có ý thức tốt trong việc sử dụng điện tiết kiệm như: Tắt các thiết bị (tivi, quạt gió, đèn) khi không sử dụng; tận dụng tối đa ánh sáng, gió tự nhiên; chọn mua và sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện như đèn compact, đèn led thay cho bóng đèn sợi đốt… qua đó giảm hẳn lượng điện năng tiêu thụ.
Chị Trần Thị Thanh Nhanh – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Long Phú cho biết: “Trong năm 2017, 11 cơ sở hội đã thành lập được 34 tổ, câu lạc bộ làm theo Bác như: Tiết kiệm điện, nước, hủ gạo tình thương… có 457 thành viên tham gia, nâng tổng số toàn huyện hiện có 276 tổ, câu lạc bộ, với gần 5.000 thành viên tham gia ở 61 chi hội. Hiệu quả từ mô hình trên đã tiết kiệm được 2.116 KW điện, trị giá gần 10 triệu đồng và 569 mét khối nước, có 915 cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu với số tiền lên đến 905 triệu đồng”.
Với phương châm “Phong trào thi đua làm theo lời Bác phải được cụ thể, lời nói phải đi đôi với việc làm”, các cấp hội phụ nữ trong huyện đã triển khai nhiều công trình, phần việc thiết thực, hiệu quả, duy trì hoạt động và nhân rộng các mô hình như: “Nuôi heo đất”, “Tiết kiệm xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo”, “Tiết kiệm điện, nước”, “Hủ gạo tình thương”, “Chuyển giao vật dụng gia đình cho hộ nghèo”… Đồng thời, vận động phụ nữ tích cực tham gia thực hiện mô hình “Nhà nhà treo ảnh Bác”.
Mô hình hủ gạo tình thương của phụ nữ xã Hậu Thạnh, huyện Long Phú
Qua phát động thực hiện, đã có gần 5.000 hộ gia đình hội viên phụ nữ đăng ký thực hiện mô hình “Nhà nhà treo ảnh Bác”. Bên cạnh đó, phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế giỏi, thoát nghèo bền vững được phát động rộng rãi và thu hút đông đảo chị em tham gia, thông qua các mô hình tổ, nhóm giúp nhau làm kinh tế, hùn vốn, hiện có 561 tổ phụ nữ tiết kiệm với 5.122 thành viên và 272 tổ hùn vốn, vay vốn, tương trợ với 3.516 thành viên. Trong năm 2017, các cấp hội đã vận động mỗi hội viên tham gia ít nhất 01 loại hình tiết kiệm và có 12.146 hội viên tham gia. Nét mới trong các phong trào phụ nữ thời gian qua là chị em đã xây dựng được những mô hình kinh tế tập thể gắn với đặc thù của từng ngành nghề, hỗ trợ nhau trong lao động sản xuất như: Thành lập câu lạc bộ IPM, câu lạc bộ giúp việc nhà theo giờ, câu lạc bộ phụ nữ sản xuất nông nghiệp, câu lạc bộ đan đát, câu lạc bộ may công nghiệp, câu lạc bộ chăn nuôi, câu lạc bộ làm lông mi giả…
Theo kế hoạch trong năm 2018, các cấp hội phụ nữ trong huyện sẽ triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” với hàng loạt các chương trình hỗ trợ, tiếp sức chị em phụ nữ làm kinh tế. Sự năng động của phụ nữ tiếp tục được phát huy trên lĩnh vực an sinh xã hội. Chỉ tính riêng trong năm 2017, các cấp hội phụ nữ, đơn vị trực thuộc đã vận động hội viên, phụ nữ và các mạnh thường quân giúp đỡ, thăm hỏi trên 1.000 hộ gia đình nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già neo đơn, trẻ em khuyết tật, đồng bào dân tộc Khmer, phạm nhân nữ, vận động tặng nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, tình thương cho gia đình hội viên, phụ nữ gặp khó khăn về nhà ở.
Qua nhiều phong trào cụ thể, thiết thực mà các cấp hội phụ nữ trong huyện đã triển khai cho thấy, Cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đi vào chiều sâu và có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội.
|